Công trình kỹ thuật ngầm: Thiếu cơ sở dữ liệu
Từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 7/2013, trên địa bàn TP Hà Nội liên tục xảy ra các sự cố liên quan tới việc thi công xây dựng làm hỏng vỡ các công trình ngầm, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới đời sống nhân dân, thậm chí gây nguy hiểm tới tính mạng người dân. Đơn cử, ngày 30/5, do không khảo sát trước khi ép cọc vây phục vụ thi công công trình cầu khỉ tại tuyến phố Tương Mai, Q.Hoàng Mai, Cty liên danh công trình Hữu Nghị đã ép trúng đường ống nước D100, gây thất thoát một khối lượng lớn nước sạch, đe dọa nguồn cung cấp nước sinh hoạt của gần 1.000 hộ dân thuộc 3 P.Giáp Bát, Tương Mai và Đồng Tâm. Trước đó, theo phản ánh của lãnh đạo Xí nghiệp Nước sạch Hoàng Mai, trong các ngày 25/04 và 28/05 cũng chính Cty Liên danh công trình Hữu Nghị đã làm vỡ đường ống truyền dẫn D600 dẫn nước cho toàn TP và đường ống D100 cấp nước cho người dân Q.Hoàng Mai. Tuy nhiên sau đó đơn vị này không hề rút kinh nghiệm và cũng không có động thái nào để khắc phục hậu quả hay bồi hoàn số nước thất thoát.
Tiếp đó, tối 20/6, trong quá trình thi công xây dựng công trình cầu vượt trước khách sạn Daewoo (Q.Ba Đình), công nhân của Cty CP Cơ khí 4 và Xây dựng Thăng Long đã khoan trúng đường ống nước khiến nước chảy ra đường lênh láng. Đoạn đường ống bị vỡ là đường ống chính cấp nước sạch cho người dân khu vực P.Liễu Giai (Q.Ba Đình), do vậy trong thời gian chờ đường ống được vá lại, toàn bộ khu vực tạm thời bị cắt nước.
Mới đây nhất, sáng 29/7, trong lúc thi công mở rộng đường Trần Quốc Hoàn, 2 công nhân của Cty CP Đầu tư xây dựng và phát triển năng lượng Hà Nội đã đào phải tuyến cáp ngầm trung thế 22KV, cấp điện từ trạm biến áp 110KV Nghĩa Đô về trạm biến áp Bộ Công an. Hậu quả, bản thân 2 công nhân bị thượng nặng. Khu vực Q.Cầu Giấy bị mất điện trên diện rộng trong hơn 40 giờ đồng hồ, gây ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động kinh doanh của các hộ dân.
Các sự cố nói trên quy mô và mức độ ảnh hướng đến đời sống xã hội khác nhau nhưng có chung một đặc điểm là những người (đơn vị) thi công đã không làm đúng quy định quy phạm pháp luật.
Theo Nghị định 39/NĐ-CP (Chính phủ ban hành ngày 07/4/2010) về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị, chủ đầu tư các KĐT, khu nhà ở mới và các tuyến đường phố mới xây dựng hoặc cải tạo, mở rộng có trách nhiệm đầu tư xây dựng các công trình cống, bể kỹ thuật hoặc hào, tuy nen kỹ thuật để bố trí, lắp đặt các đường dây và đường ống kỹ thuật theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với các đô thị cũ, đô thị cải tạo, UBND cấp tỉnh phải có kế hoạch đầu tư xây dựng cống, bể kỹ thuật hoặc hào, tuy nen kỹ thuật để từng bước hạ ngầm đường dây, cáp nổi. Cơ sở dữ liệu về công trình ngầm đô thị bao gồm các công trình ngầm đô thị, quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị và các dữ liệu khác có liên quan đến quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ. Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở địa phương có trách nhiệm triển khai việc xây dựng cơ sở dữ liệu; lưu trữ hồ sơ và cung cấp thông tin cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo quy định của pháp luật. Thông tư 11/2010/TT-BXD (Bộ Xây dựng ban hành ngày 17/8) hướng dẫn về quản lý cơ sở dữ liệu công trình ngầm đô thị cũng nêu rõ: Các dữ liệu có liên quan về quản lý xây dựng ngầm đô thị gồm thông tin về cấp và loại công trình ngầm, quy mô và tính chất công trình, thời gian hoàn thành công trình và tình trạng sử dụng; Thông tin về tên, địa chỉ và số điện thoại liên hệ của chủ sở hữu công trình ngầm; Thông tin về tên, địa chỉ và điện thoại liên hệ các đơn vị quản lý, vận hành và đơn vị sử dụng các công trình ngầm.
Cũng theo Nghị định 39/NĐ-CP, trước khi thi công xây dựng công trình, chủ đầu tư công trình đường dây, đường ống ngầm, hào kỹ thuật phải thông báo việc khởi công công trình đến UBND phường, thị trấn sở tại khu vực có công trình xây dựng ngầm để phối hợp kiểm tra, giám sát quá trình thi công. Nhà thầu xây dựng phải thiết kế biện pháp thi công bảo đảm an toàn cho hoạt động bình thường của các tuyến đường dây, cáp, các công trình ngầm, nổi khác và bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường…
Như vậy là văn bản pháp quy, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quản lý không gian xây dựng ngầm đã tương đối đầy đủ. Vấn đề còn lại là việc thực thi các quy phạm pháp luật trong thực tiễn như thế nào? Trong 3 trường hợp nói trên, phải chăng các công trình ngầm chưa được quản lý theo đúng quy định? Công trình ngầm chưa được dữ liệu hóa và công bố cho chủ đầu tư và nhà thầu thi công các công trình liên quan? Nhà thầu thi công không biết hay cố tình làm ngơ các quy định liên quan đến quản lý công trình ngầm?
Theo một chuyên gia Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng): Để thực thi nghiêm minh các quy định pháp luật về quản lý công trình ngầm thì rất cần sự quyết liệt trong điều hành, quản lý của các chính quyền địa phương và các ngành liên quan. Nếu các dự án nói trên được thực hiện theo đúng quy định thì hẳn đã không xảy ra các sự cố.
Trong trường hợp các công trình ngầm đô thị chưa được cơ sở dữ liệu hóa thì giải pháp mà chính quyền TP.HCM đang áp dụng được cho là tương đối khả quan. Từ đầu năm 2013, Sở GTVT TP.HCM yêu cầu các đơn vị muốn được cấp phép đào đường cần phải có bản vẽ khảo sát công trình ngầm sử dụng thiết bị Georadar (radar xuyên đất) nhằm dò tìm công trình ngầm. Thiết bị này giúp hạn chế và phòng ngừa các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra với các công trình kỹ thuật ngầm.